Nghệ thuật kịch giấy Kamishibai ở Nhật Bản
Kamishibai là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian nổi tiếng của Nhật Bản. Nó là một lối kể chuyện bằng tranh vẽ trên giấy, còn được biết đến với tên gọi “kịch giấy”.
Kami trong tiếng Nhật có nghĩa là “giấy”, còn Shibai là “diễn kịch hoặc kể chuyện”. Người nghệ sĩ đặt từng bức tranh ở phía sau một khung hình trống và thay đổi chúng dựa theo diễn biến của câu chuyện mà mình đang kể.
Kamishibai còn được sử dụng như một công cụ hỗ trợ việc giảng dạy trong trường học vì nó thu hút sự chú ý của học sinh. Trong những năm gần đây, lối kể chuyện này được nhiều nhóm thanh thiếu niên sử dụng để góp vui cho các chương trình nói về nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản.
Từ những năm 1930, Kamishibai đã trở nên phổ biến với tên gọi Kamishibai đường phố. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, lối kể chuyện bằng tranh vẽ trên giấy phát triển cực thịnh nhất là từ năm 1945 đến năm 1955. Vào thời gian này, có hơn 30.000 nghệ sĩ Kamishibai đường phố ở Tokyo.
Trước đây, Kamishibai được biểu diễn bởi những người bán kẹo dạo nhằm thu hút trẻ con và người mua. Những ai mua kẹo thì được đứng gần người kể chuyện hơn.
Nghệ sĩ Kamishibai đường phố liên tục đổi giọng nói cho phù hợp với từng nhân vật và cả lối dẫn chuyện. Mỗi câu chuyện không kết thúc trong 1 ngày mà kéo dài qua nhiều ngày và các khán giả luôn háo hức quay trở lại nghe tiếp vào những ngày hôm sau.
Mặc dù lối kể chuyện bằng tranh vẽ trên giấy được nhiều người biết đến ở Tokyo nhưng rất hiếm khi người ta có cơ hội trò chuyện với các nghệ sĩ vì họ phải di chuyển liên tục đến nhiều nơi để kiếm sống.
Nghệ sĩ Kamishibai đường phố sử dụng tranh vẽ được thiết kế bằng tay bởi các kashimoto – người chuyên vẽ tranh trên giấy theo các câu chuyện để bán hoặc cho các Kimaishibai thuê. Ngày nay, không còn ai vẽ tranh cung cấp cho các nghệ sỹ kể chuyện đường phố nữa.
--------------------------
Injavi.com - Visit in Japan