Lễ hội Gion ở Kyoto – lễ hội hoành tráng nhất Nhật Bản
Matsuri – Khi nhắc đến lễ hội ở đất nước Nhật Bản chúng ta không thể không nhắc đến tam đại lễ hội kiệu rước gồm có lễ hội Gion ở tỉnh Kyoto, lễ hội Takayama ở tỉnh Gifu và lễ hội Chichibu ở Saitama.
Cả 3 lễ hội này đều là lễ hội có kiệu rước rất hoành tráng cùng hàng trăm ngàn lượt khách tham gia. Đặc biệt, lễ hội Gion ở Kyoto diễn ra trong suốt một tháng nên số lượng người tham gia thường đông nhất trong số tam đại lễ hội.
Ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về lễ hội Gion ở Kyoto để xem lễ hội này có những điểm gì nổi bật khiến nó lọt vào danh sách tam đại lễ hội kiệu rước ở Nhật Bản nhé.
Nguồn gốc của lễ hội Gion ở Kyoto
Lễ hội Gion ở Kyoto ra đời bắt nguồn từ việc cầu nguyện thần linh phù hộ tránh khỏi thiên tai dịch bệnh. Thực tế thì vào năm 869, một dịch bệnh đáng sợ đã lan tràn trên khắp nước Nhật cướp đi tính mạng của vô số người.
Đứng trước sự yêu cầu của người dân, hoàng đế Seiwa đã quyết định cầu khẩn thần linh dập tắt dịch bệnh. Hoàng đế đã cho làm 66 cỗ xe cực kỳ tinh xảo và xa hoa tượng trưng cho 66 tỉnh thành thời bấy giờ và tới đền thờ Yasaka ở Kyoto để gửi lời cầu nguyện đến với các vị thần.
Sau khi hoàng đế Seiwa tiến hành cầu khẩn thần linh, dịch bệnh dần bị đẩy lùi. Từ đó, người dân ở Kyoto thường xuyên tổ chức lễ hội rước kiệu từ đền Yasaka cầu chúc cho Nhật Bản tránh khỏi thiên tai dịch bệnh.
Từ sau năm 869, lễ hội Gion cũng được tổ chức nhưng không phải năm nào cũng diễn ra. Tới năm 970, lễ hội Gion đã trở thành lễ hội thường niên ở Kyoto. Trong suốt thời gian từ năm 970 đến nay, lễ hội Gion chỉ bị tạm ngưng 33 năm từ năm 1477 đến năm 1500 vì nội chiến.
Sau thời gian đó, hàng năm lễ hội Gion đều được tổ chức và quy mô ngày một lớn hơn. Với ý nghĩa và giá trị truyền thống lâu đời của lễ hội Gion, UNESCO đã công nhận lễ hội Gion là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Thời gian diễn ra lễ hội Gion Matsuri
Lễ hội Gion Matsuri được diễn ra trong suốt một tháng kể từ ngày 01/07 đến 31/07 hàng năm. Trong khoảng thời gian này có rất nhiều sự kiện diễn ra nhưng đặc biệt không thể bỏ qua ba mốc thời gian là ngày Yoiyama (14/7 – 16/7), ngày Sakimatsuri (17/07) và ngày Atomatsuri (24/07). Các mốc thời gian diễn ra trong lễ hội các bạn có thể tham khảo các mốc sau:
Từ ngày 01 – 05/07 : Kippuiri, nghi lễ khai mạc của lễ hội, được thực hiện trong từng khu phố .
Ngày 02/07: Kujitorishiki, lựa chọn thứ tự diễu hành, được thực hiện trong tòa hội đồng của đô thị.
Ngày 07/07 : Lễ viếng thăm điện thờ của những đứa trẻ chigo (trẻ em làm nhiệm vụ giúp đỡ các nhà sư trong việc cử hành các nghi lễ, ca hát) của Ayagasaboko .
Ngày 10/07 : Diễu hành đèn lồng để chào đón đền thờ di động mikoshi .
Ngày 10/7 : Mikoshi Arai , lễ thanh tẩy của mikoshi bằng nước thánh từ Sông Kamo .
Từ ngày 10-13/07 : Rắp ráp xe rước .
Sáng ngày 13/07: Lễ viếng thăm đền thờ của những đứa trẻ chigo của Naginataboko .
Chiều ngày 13/07:: Lễ viếng thăm đền thờ bởi những đứa trẻ chigo của Đền Thờ Kuse .
Ngày 14/07 : Yoiyoiyoiyam – một trong 3 ngày trước lễ rước Yamaboko
Ngày 15/07 : Yoiyoiyama – một trong 3 ngày trước lễ rước Yamaboko
Ngày 16/07 : Yoiyama – một trong 3 ngày trước lễ rước Yamaboko
Ngày 16/07 : Yoiyama shinshin hono shinji , các cuộc biểu diễn nghệ thuật
Ngày 17/07 : Cuộc diễu hành của các xe rước Yamaboko .
Ngày 24/07 : Cuộc diễu hành của mikoshi từ Đền Thờ Yasaka đến thành phố .
Ngày 24/07 : Cuộc diễu hành của hanagasa hay chiếc ô hoa.
Ngày 24/07: Cuộc diễu hành của mikoshi từ thành phố về Đền thờ Yasaka .
Ngày 28/07 : Mikoshi Aria, tẩy trần Mikoshi với nước thánh từ Sông Kamo .
Ngày 31/07 : Kết thúc lễ hội tại đền thờ Eki.
Những điểm đặc trưng của lễ hội Gion ở Kyoto
Thời gian diễn ra lễ hội trong suốt một tháng
Rất nhiều lễ hội ở Nhật Bản có quy mô tổ chức hoành tráng nhưng thường chỉ kéo dài 2 đến 3 ngày mà thôi. Ví dụ như lễ hội Chichibu cũng chỉ diễn ra trong 2 ngày, lễ hội Takayama dù diễn ra hai lần trong năm nhưng mỗi lần cũng chỉ diễn ra trong 2 ngày mà thôi. Trong khi đó, lễ hội Gion ở Kyoto lại diễn ra trong suốt một tháng từ 01/07 đến 31/07 khiến cho rất nhiều khách du lịch có cơ hội tham gia lễ hội này mà không cần phải tính toán thời gian quá chi li.
33 Kiệu rước độc đáo và lộng lẫy
Theo như truyền thuyết thì hoàng đế Seiwa cầu nguyện thần linh đã cho làm 66 kiệu tượng trưng cho 66 tỉnh thành thời bấy giờ. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 33 kiệu được rước trong lễ hội Gion mà thôi. 33 Kiệu rước trong lễ hội Gion ở Kyoto chia làm hai loại là Hoko và Yama. Hoko là loại kiệu lớn hai tầng có bánh xe lớn dùng để kéo đi. Loại kiệu này nặng tới 12 tấn và thường cần khoảng gần 50 người kéo xe.
Ngồi trên kiệu còn có 35 – 40 người chơi nhạc cụ để tăng thêm phần khí thế, 2 người đứng trước hô khẩu hiệu và 4 người đứng trên mái giúp kiệu luôn di chuyển đúng lộ trình. Kiệu Yama là loại kiệu nhỏ hơn với trọng lượng thường dưới 1 tấn được khoảng hơn 14 – 24 người đỡ trên vai khiêng đi. Tất cả 33 cỗ kiệu đều cực kỳ xa hoa và lộng lẫy thể hiện trình độ chế tác đỉnh cao của những người thợ thủ công đương thời.
Kiệu rước kiểu Hoko trong lễ hội Gion
Trong các loại kiệu thì có một loại kiệu khá đặc biệt đó là Yamaboko. Đây là loại kiệu lớn nhất với chiều cao lên đến 25 mét và nặng tới 12 tấn. Vào tâm điểm của lễ hội là ngày 17 và ngày 24/07, cũng chính là ngày kiệu Yamaboko được rước đi khắp các con đường.
Vì chiều cao của kiệu quá lớn nên tỉnh Kyoto đã phải rất khó khăn để “dọn đường” cho kiệu đi qua. Một số nơi thậm chí còn thiết kế lại các công trình công cộng có khả năng thu gọn lại chỉ để phục vụ cho Yamaboko đi qua vào lễ hội hàng năm.
33 Cỗ kiệu này sau lễ hội sẽ được dỡ ra chứ không để nguyên và năm sau vào mùa lễ hội chúng lại được ghép lại thành những cỗ kiệu hoàn chỉnh.
Nhạc công biểu diễn trong suốt thời gian rước kiệu
Vì được tổ chức trong suốt một tháng nên lễ hội Gion có rất nhiều hoạt động phong phú với sự đầu tư công phu và hoành tráng khiến cho những khách du lịch tới đây không hề cảm thấy nhàm chán mà luôn có một cảm giác mới mẻ từng ngày.
Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể ra trong tháng lễ hội Gion đó là lễ diễu hành Yamaboko Yunko, Omukae-Chochin – nghi lễ đám rước được tổ chức để chào đón các Mikoshi, nghi thức thanh tẩy Mikoshi-Arai, lễ dựng kiệu Hoko và Yama, lễ kéo thử kiệu Gion Bayashi, Yoiyoiyoiyama (14/07), Yoiyoiyama (15/07), Yoiyama (16/07), biểu diễn kịch Kyogen, nghi thức cắt dây, múa trừ tà Iwami Kagura, triển lãm các bảo vật gia truyền của người dân địa phương …
Thưởng thức nhiều món ăn độc đáo trong lễ hội Gion
Trong thời gian lễ hội, ngoài chiêm ngưỡng các hoạt động phong phú trong lễ hội và đi theo đoàn rước kiệu thì thưởng thức các món ăn trong lễ hội cũng là một trong những điều rất hấp dẫn. Trong tháng lễ hôi Gion diễn ra, khu vực thương mại của Kyoto sẽ trở thành khu vực dành cho người đi bộ chuyên bán đồ ăn.
Đến khu trung tâm thương mại vào thời gian này các bạn có thể tìm thấy đa số các món ăn đặc trưng và ngon nhất của Nhật Bản như gà xiên nướng Yakitori, bánh cá nướng Taiyaki, bạch tuộc viên Takoyaki, bánh xèo Okonomiyaki và rất nhiều món ăn khác đều có thể tìm thấy được ở nơi đây.
Lễ hội Gion Matsuri là một trong 3 lễ hội kiệu rước có quy mô lớn nhất nước Nhật (tam đại lễ hội). Điểm độc đáo ở lễ hội Gion chính là nó được diễn ra trong suốt một tháng hè nên bạn có thể dễ dàng sắp xếp một chuyến du lịch tới Kyoto trong mùa lễ hội. Nếu đã tới đây, đừng bỏ qua các ngày rước Yamaboko nhé vì đây chính là tâm điểm của lễ hội đấy.