7 điều người nước ngoài ngạc nhiên khi đến các quán nhậu ở Nhật Bản

Đến quán rượu, nhiều người còn ngạc nhiên bởi lượng đồ ăn của mỗi suất được phục vụ rất ít. Có người nước ngoài đã thẳng thắn nói “Sao lại chỉ có ít như vậy?”.

Tháng 2 8, 2022 - 15:31
Tháng 12 30, 2022 - 17:15
7 điều người nước ngoài ngạc nhiên khi đến các quán nhậu ở Nhật Bản

1. Chỉ với 1.500 ~ 2.000 yên bạn có thể uống rượu thỏa thích không giới hạn? Rượu Nhật rẻ như vậy sao?

Các quán nhậu ở Nhật có dịch vụ buffet rượu với mức giá cố định. Điều này khiến nhiều người nước ngoài vô cùng ngạc nhiên vì đất nước họ không có dịch vụ mới lạ này.

Ở một số quốc gia, bán rượu theo hình thức buffet là bất hợp pháp. Điều này có thể thấy rõ ở các nước châu Âu. Ví dụ như luật ở Pháp nghiêm cấm dịch vụ buffet đồ uống có cồn vào năm 2009. Năm 2010, điều này cũng bị cấm ở Anh, và sau đó quy định này dần lan rộng ra toàn lãnh thổ châu Âu.

Trong một xu thế như vậy, những quán rượu mang đậm nét văn hóa của người Nhật có lẽ đã trở thành một điều gì đó vô cùng hấp dẫn trong con mắt của những du khách nước ngoài.

2. Món ăn xuất hiện trên bàn ngay cả khi không được gọi! Otoshi là gì?

Người Nhật không có thói quen trả tiền tip như người châu Âu. Thế nhưng, ở các quán nhậu, việc bị tính “tiền otoshi” là chuyện thường thấy. Vậy Otoshi nghĩa là gì? Từ này đồng nghĩa với “tiền bàn” (tiền chỗ ngồi). Có nhiều người nước ngoài không hiểu cơ chế otoshi và đôi khi nó khiến họ gặp rắc rối với cửa hàng. 

Rốt cuộc thì hầu hết người nước ngoài đều không hiểu ý nghĩa của otoshi. Otoshi thực ra là món phụ được phục vụ trong khi bạn ngồi chờ món chính mình đã gọi. Nó cũng có một tên gọi khác là “Tsukidashi”. Tất cả những món này đều được tính phí ở các quán nhậu. Điều này đã trở thành một việc đương nhiên với người Nhật, nhưng với người nước ngoài nó vẫn còn khá lạ lẫm và hơi phiền phức. Ở một số cửa hàng, khách có thể từ chối dịch vụ này. Nếu bạn không muốn phải trả thêm tiền, hãy xác nhận với nhân viên của quán trước khi món ăn được đem ra nhé!

3. Người Nhật chỉ chạm cốc lần đầu tiên, và cốc đầu tiên nhất định phải là bia? Tìm hiểu thói quen chạm cốc kì quặc của người Nhật!

Phong cách uống rượu của người Nhật có lẽ là điều khiến không ít người nước ngoài ngạc nhiên, đặc biệt là người châu Á.

Người Nhật thường chỉ chạm cốc một lần đầu tiên khi bắt đầu buổi tiệc. Tuy nhiên, ở Đài Loan, Trung Quốc hay một số quốc gia khác mọi người thường nâng cốc nhiều lần. Nếu có những câu nói bất hủ thường vang lên trong các buổi tiệc như “Bia trước” thì cũng không hoàn toàn sai vì ly đầu tiên người Nhật uống thường là bia.

Vậy tại sao người Nhật lại có thói quen chạm cốc bằng bia? Điều này có liên quan bí mật đến sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Người ta nói rằng trước khi bia trở nên phổ biến, người Nhật vốn thích atsukan (rượu sake nóng). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế thần kỳ vào năm 1955, bia bắt đầu được ưa chuộng với lợi thế có thể được phục vụ ngay khi yêu cầu. Mọi người nói rằng kể từ đó người ta dùng cụm từ “Bia trước” để ám chỉ “ly đầu tiên trong bữa tiệc”.

Trong những năm gần đây, mặc dù có nhiều loại đồ uống có cồn xuất hiện trên thị trường như chuhai, shochu,… nhưng nhiều người Nhật vẫn quen lựa chọn uống bia đầu tiên trong bữa tiệc. Một nguyên tắc chung vẫn luôn được nhắc đến, đó là làm ẩm đôi môi bằng bia trước tiên và sau đó đến loại rượu yêu thích. Đây chắc chắn vẫn là suy nghĩ thông thường khi đi uống của người Nhật.

4. Suất tổng hợp nhưng lượng đồ ăn lại rất ít? Tại sao các phần ăn ở quán rượu lại ít như vậy?

Đến quán rượu, nhiều người còn ngạc nhiên bởi lượng đồ ăn của mỗi suất được phục vụ rất ít. Có người nước ngoài đã thẳng thắn nói “Sao lại chỉ có ít như vậy?”.

Đối với người Nhật, nếu nói về lượng thức ăn của các món được phục vụ ở quán rượu, họ cũng thấy ít và thật khó để hài lòng về điều đó. Ngược lại, cũng có một số người nghĩ rằng vì chúng ít nên họ sẽ không bị ăn đến no bụng, họ có thể nếm nhiều món ăn cùng một lúc.

Ngoài ra, một phần lý do là do thói quen ăn uống của người Nhật. Nhiều người Nhật lớn lên trong môi trường được giáo dục tại gia đình và nhà trường nên họ quen với chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng. Nói cách khác, thay vì ăn nhiều một món bạn thích thì bạn có thể phân bổ lượng nhỏ để ăn càng nhiều món càng tốt. Đây cũng là cách để có một chế độ ăn uống lành mạnh.

5. Khăn ướt được phục vụ ngay khi khách ngồi xuống ghế! Những hành động nhỏ nhặt thể hiện lòng hiếu khách của người Nhật

Oshibori là loại khăn lau tay bằng giấy hoặc vải được phục vụ tại nhà hàng, quán cà phê và các quán nhậu ở Nhật khi khách vừa ngồi vào bàn. Điều này bắt nguồn từ việc người Nhật thường có thói quen dùng khăn lau tay trước khi ăn.

Nhiều người Âu Mỹ ngạc nhiên vì không có giấy ăn và bát nước rửa tay được phục vụ. Không chỉ vậy, họ còn bất ngờ với việc khăn lạnh (nóng) được phục vụ hoàn toàn miễn phí.

6. Cách thức gọi món sáng tạo: Từ nút bấm gọi nhân viên đến thực đơn màn hình cảm ứng đa ngôn ngữ

Nhiều người cảm thấy vô cùng ấn tượng với cách thức gọi món ở các quán nhậu ở Nhật. Chúng ta hãy cùng nghe một vài nhận xét của họ nhé.

Các quán nhậu ở Nhật Bản, đặc biệt là các cửa hàng kinh doanh theo hệ thống thường lắp đặt nút bấm để gọi nhân viên. Nút bấm này thường được đặt ngay cạnh bảng thực đơn, bạn chỉ cần bấm nút là nhân viên sẽ đến tận nơi phục vụ. Vì vậy, bạn không cần gọi với một nhân viên nào đó vừa chạy ngang qua khi cần.

Ngoài ra, gần đây có ngày càng nhiều các cửa hàng đưa vào sử dụng thực đơn kiểu màn hình cảm ứng. Thiết bị máy tính bảng sẽ hiển thị thực đơn và bạn chỉ cần chọn món mình thích là có thể đặt món dễ dàng. Không chỉ vậy, loại thực đơn này còn được thiết lập nhiều loại ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung giản thể, tiếng Trung phồn thể, tiếng Hàn,… rất tiện lợi cho các du khách nước ngoài khi đến Nhật Bản. Bạn không cần phải giao tiếp trực tiếp với nhân viên cửa hàng nên cũng không phải lo lắng nếu không biết tiếng Nhật.

7. Các cửa hàng ăn uống ở Nhật có được phép hút thuốc? Rượu và đồ nhắm rất ngon nhưng mùi thuốc lá khiến bạn không thể ngồi lại lâu

Có nhiều ý kiến về việc hút thuốc lá trong cửa hàng. Có vẻ có nhiều người ngạc nhiên với việc nhiều quán nhậu ở Nhật cho phép khách hút thuốc.

“Quán nhậu ở Nhật không cấm hút thuốc nhỉ. Tôi rất khó chịu với mùi khói thuốc nên hầu như không thể ngồi lâu được, mặc dù rượu và đồ ăn rất ngon” – một cô bạn người Việt Nam nói.

Nhật Bản được gọi là “Quốc gia lạc hậu về thuốc lá”. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích việc phân chia khu vực hút thuốc và không hút thuốc, nhưng đến nay phần lớn các quán nhậu vẫn cho phép hút thuốc bất kể chỗ nào. Tuy nhiên, từ tháng 4/2020, tình hình này sẽ được cải thiện.

Cùng với việc tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo, các cửa hàng ăn uống có nhân viên làm việc trong thành phố Tokyo sẽ cấm hút thuốc hoàn toàn. Việc phân chia khu hút thuốc cũng không còn nữa, và bạn chỉ có thể hút thuốc ở khu vực hút thuốc gần nhất. Trong tương lai, số lượng người hút thuốc sẽ giảm đi vì sẽ không thể đi ngược lại xu hướng của thời đại.

InJavi Injavi(インジャヴィ)は、外国人が日本の生活や観光をよりスムーズに楽しむための情報を提供するウェブサイトです。 初めて日本を訪れる方や日本語が苦手な方でも使いやすい、多言語対応サイトです。